Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là gì?
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới có tên tiếng Anh là World Intellectual Property Organization (WIPO), là một trong những tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc. WIPO được thành lập vào ngày 14/07/1967 và có hiệu lực từ 26/04/1974 tại Stockholm, dựa trên cơ sở công ước về bảo hộ quyền tác giả.
Lịch sử ra đời của WIPO
Nguồn gốc của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xuất thân từ Công ước Paris ra đời vào năm 1883 về các quyền sở hữu công nghiệp. Đây được xem là hiệp ước đầu tiên về việc bảo hộ hợp pháp các sản phẩm sáng tạo của một cá nhân.
Thành lập vào năm 1883 và bắt đầu có hiệu lực năm 1884, Công ước Paris thành lập một Văn phòng quốc tế với 14 quốc gia thành viên.
Vào năm 1886, Công ước Berne cũng được ra đời với mục đích bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Năm 1893, Công ước Paris và Công ước Berne chính thức hợp nhất với tên gọi Văn phòng Quốc tế Thống nhất về Bảo hộ Sở hữu Trí tuệ (BIRPI), chính thức đặt nền móng cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới sau này.
Ngay khi Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới có hiệu lực từ ngày 26/04/1970, BIRPI chính thức trở thành WIPO.
WIPO là tổ chức hoạt động với mục tiêu thúc đẩy việc bảo hộ tài sản trí tuệ trên toàn thế giới. Năm 1974, WIPO trở thành một trong những tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, trụ sở của WIPO được đặt tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, WIPO đã kết nạp được 193 quốc gia và Việt Nam là quốc gia thành viên của tổ chức này từ năm 1976.
Thành viên của WIPO
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Sở hữu trí tuệ có đến 193 quốc gia tham gia và có 250 quan sát viên là các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ. Trong đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WIPO từ ngày 02/06/1976.
Để trở thành thành viên của tổ chức, các quốc gia phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- WIPO chỉ kết nạp thành viên là tham gia vào tổ chức Liên Hợp Quốc;
- Để gia nhập tổ chức, quốc gia phải gửi đơn xin gia nhập tới Tổng giám đốc WIPO tại trụ sở ở Geneva.
- Đối với các quốc gia thành viên của Công ước Paris và Công ước Berne chỉ có thể gia nhập WIPO nếu như thỏa điều kiện đã ký kết hoặc gia nhập ít nhất các điều khoản của Văn kiện Stockholm (1967) của Công ước Paris hoặc Văn kiện Paris (1971) của Công ước Berne.
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới luôn hoan nghênh các tổ chức và các nhóm lợi ích tham gia WIPO với tư cách là quan sát viên tại các cuộc họp chính thức của quốc gia thành viên.
Hiện nay, ngài Daren Tang là tổng giám đốc đương nhiệm của WIPO, ông đắc cử vào tháng 05/2020 và bắt đầu nhiệm kỳ vào 01/10/2020.
Chức năng và hoạt động của WIPO
Nhiệm vụ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là thông qua việc hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, nối gần khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển, thúc đẩy việc sáng tạo và đổi mới ở tất cả các quốc gia thành viên.
WIPO chứa đựng dịch vụ, chính sách, thông tin và hợp tác xoay quanh sở hữu trí tuệ toàn cầu. Các chức năng và hoạt động của WIPO được thể hiện cụ thể:
WIPO cung cấp dịch vụ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như giải quyết các tranh chấp về IP trên phạm vi toàn cầu, giúp những nhà khoa học và nhà sáng chế tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
WIPO xây dựng mạng lưới các cơ quan điều hành và ủy ban chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để các nước thành viên và các quan sát viên có thể trao đổi, thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức mà hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu đối mặt, nhằm đảm bảo mục tiêu cốt lõi của việc khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo.
WIPO cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu chứa đựng thông tin đa dạng về sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của mọi cá nhân và tập thể.
WIPO thường xuyên tạo cơ hội cho việc trao đổi thông tin, hợp tác với các nước thành viên và tổ chức cả chính phủ lẫn phi chính phủ, hỗ trợ và thúc đẩy bảo hộ cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giải quyết những vấn đề chung của thế giới liên quan đến lĩnh vực này.
Vậy mục tiêu cốt lỗi của WIPO ra đời với nhiệm vụ chính là giải quyết thách thức toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ, bằng cách cung cấp dịch vụ đăng ký và bảo hộ quốc tế, xây dựng hệ thống thông tin và hợp tác giữa các quốc gia, nhằm khuyến khích sáng tạo và đổi mới.
Vai trò của WIPO – Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới?
Quyền sở hữu trí tuệ thông thường sẽ bị giới hạn bởi yếu tố lãnh thổ, chúng chỉ tồn tại và thực thi trong phạm vi luật pháp riêng và lãnh thổ của một quốc gia. Hơn thế nữa, những sản phẩm trí tuệ mang nhiều ý tưởng sáng tạo và dễ bị “đạo nhái” sang bất kỳ quốc gia nào.
Xuất phát từ các yếu tố đặc thù và tính cấp thiết cần có một tổ chức quốc tế có thể đảm nhiệm và quản lý các vấn đề này, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ra đời với sứ mệnh đảm bảo quyền lợi và công bằng về sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, khi mà luật pháp về sở hữu trí tuệ ngày càng giống nhau tại nhiều quốc gia thì nhu cầu đơn giản hóa công tác bảo hộ lại càng trở nên cần thiết. Do đó, các chính phủ đã đàm phán và thông qua các điều ước quốc tế đa phương như Công ước Paris, Công ước Bern,…Tổ chức WIPO cũng là người đứng sau quản lý các điều ước này.
WIPO hỗ trợ Việt Nam
Kể từ chuyến thăm Việt Nam của cựu tổng giám đốc WIPO, ngài Francis Gurry vào năm 2017 và Bản ký kết ghi nhớ hợp tác giữa WIPO và Bộ Khoa học và Công nghệ về xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Từ đó đến nay, nước ta luôn nhận được sự hậu thuẫn chặt chẽ của tổ chức quốc tế.
- WIPO hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án “Số hóa tư liệu sáng chế” trên cơ sở dữ liệu điện tử với mục đích giúp người dân tối ưu hơn trong việc tra cứu và minh bạch thông tin về quyền sở hữu trí tuệ.
- WIPO hỗ trợ xây dựng và ứng dụng các giải pháp về công nghệ thông tin.
- Tổ chức quốc tế hỗ trợ truy cập và cho phép sử dụng các cơ sở dữ liệu do WIPO xây dựng để phục vụ công tác xử lý, quản trị về đơn đăng ký bảo hộ công nghiệp.
- Đội ngũ nhân sự của WIPO hỗ trợ Việt Nam dịch thuật các ấn phẩm tuyên truyền và tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới là đối tác quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực về các vấn đề liên về sở hữu trí tuệ.